Các bệnh nên kiêng dùng nhân sâm

Nhân sâm được xếp vào loại đầu tiên trong 4 loại dược liệu quý của Đông y, đó là sâm, nhung, quế, phụ. Nhân sâm có tên khoa học là (Panax ginseng C. A. Mey.), họ nhân sâm (Araliaceae), họ (ngũ gia bì). Trên thực tế do cách chế biến khác nhau, người ta có được các sản phẩm chế của nhân sâm khác nhau, như hồng sâm, bạch sâm, đại lực sâm...

Nhân sâm được Đông y ghi vào loại “thượng phẩm”, nghĩa là có tác dụng tốt mà không gây ra độc tính, được ghi vào đầu vị của dòng “bổ khí” với những công năng tuyệt vời: đại bổ nguyên khí, ích huyết, sinh tân, định thần, ích trí... Nhân sâm được dùng để  bổ khí, đặc biệt cho các trường hợp chân khí suy giảm, người mệt mỏi, vô lực, mới ốm dậy, trẻ em chậm lớn. Tăng cường sinh lý, tăng khả năng hồi phục cho mọi hoạt động cơ thể. Chống và giảm căng thẳng của hoạt động thần kinh, nâng cao sức bền trong hoạt động thể thao. Cải thiện hoạt động tuần hoàn khí huyết, điều hòa ổn định hệ tim mạch, nhất là các triệu chứng tim hồi hộp, loạn nhịp. Có lợi cho các trường hợp ho lao, viêm phế quản mạn tính, tiểu đường. Làm tăng sức đề kháng và tăng khả năng miễn dịch, giúp cho chế độ làm việc dẻo dai hơn, tạo  điều kiện để tăng năng suất lao động.  Làm chậm quá trình lão hóa của cơ thể, giúp cơ thể vượt qua những thay đổi khắc nghiệt của môi trường. Hỗ trợ tích cực trong phòng và trị bệnh ung thư.

Tuy nhiên, có những loại bệnh không được dùng nhân sâm, cụ thể :

Tăng huyết áp:Nhân sâm liều lượng thấp sẽ làm tăng huyết áp, nhưng liều cao làm hạ huyết áp. Bạn không thể nhận biết ngưỡng cao thấp này nên tốt nhất không nên dùng.

Bị cảm:Nhân sâm bổ khí, sẽ làm cho tà khí ứ trệ lưu trong cơ thể không thoát ra ngoài được, kéo dài bệnh tình. Những người đang phải uống nhân sâm dài ngày nếu bị cảm thì nên ngừng cho đến khi khỏi hẳn.

Bệnh gan mật:Người bị viêm gan truyền nhiễm cấp tính, viêm túi mật cấp tính, bệnh sỏi mật, đau sườn, đau bụng, vàng da, phát sốt... đều ở tình trạng gan mật bị thấp nhiệt, khí không thoát. Việc uống nhân sâm sẽ càng làm khí trệ uất kết, bệnh nặng thêm.

Đau dạ dày:Chứng viêm loét ở dạ dày do dịch vị ra quá nhiều, khí trệ mà sinh ra đau, huyết nhiệt chạy lung tung mà sinh ra chảy máu. Nhân sâm bổ khí, làm cho khí càng thịnh lên, huyết càng hưng vượng, rất khó làm giảm và hết đau.

Giãn phế quản, lao:Bệnh nhân thường ho ra máu, sốt nhẹ, xuất huyết, đây là lúc âm hư hoả vượng, phế âm suy nhược. Nhân sâm càng làm tổn thương phế âm và làm hỏa vượng thêm, làm năng hơn tình trạng nôn ra máu.

Bệnh tự miễn như lupus ban đỏ, viêm khớp loại phong thấp:Những người này cũng bị âm hư hỏa vượng nên nhân sâm càng làm bệnh nặng thêm.

Phụ nữ mang thai và trẻ dưới 14 tuổi cũng tránh dùng nhân sâm.

St

Lưu ý: Tác dụng của thuốc tùy thuộc vào thể trạng của từng người