Kiểm soát hen tốt tránh nguy cơ tử vong

Ngày 3/5, Bộ Y tế, BV Bạch Mai đã tổ chức Lễ mít tinh và hội nghị khoa học hen, dị ứng miễn dịch lâm sàng hưởng ứng ngày Hen toàn cầu 2013 (3/5). Chủ đề của ngày Hen toàn cầu năm nay là "Bạn có thể kiểm soát hen cho chính mình”.

3,5 triệu người Việt mắc hen phế quản

PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn, GĐ Trung tâm Dị ứng Miễn dịch lâm sàng (BV Bạch Mai) chia sẻ thông tin, tỉ lệ người mắc HPQ ở VN ước tính khoảng 3,5 triệu người. Đây là bệnh lý hô hấp thường gặp nhất ở mọi lứa tuổi, nhưng hiểu biết của người dân về việc điều trị và kiểm soát cơn hen vẫn còn nhiều hạn chế.

Mới đây, Trung tâm Dị ứng Miễn dịch lâm sàng đã tiếp nhận trường hợp bệnh nhân nữ lên cơn hen rất nặng, được chuyển từ Nghệ An ra. Bệnh nhân mắc hen đã nhiều năm, tuy nhiên do điều trị không đúng cách và sử dụng thuốc không đúng đã dẫn tới tình trạng bệnh không thuyên giảm và ngày càng nặng thêm. Cách đây một tháng, bệnh nhân liên tục xuất hiện cơn khó thở nặng, không kiểm soát được và phải vào viện nhưng điều trị không đỡ. Sau đó bệnh nhân được chuyển ra Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng điều trị trong tình trạng diễn biến bệnh ngày càng xấu. Các bác sĩ đã dùng các thuốc đường truyền tĩnh mạch, thuốc cắt cơn hen phối hợp điều trị corticoid toàn thân và các thuốc kiểm soát hen. Đến nay, bệnh nhân đáp ứng tốt. Hiện tại, dù bệnh nhân còn thở rít rất rõ nhưng bệnh đã cải thiện đáng kể.

Phế quản bình thường (phải) và phế quản bị co thắt trong bệnh hen (trái).

TS. Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc BV Bạch Mai cho biết, HPQ là bệnh lý khá phổ biến. Ước tính trên thế giới có khoảng 300 triệu người mắc hen và chi phí chi cho các vấn đề liên quan đến HPQ mỗi năm lên đến chục tỉ USD. Tại VN, 3,9% dân số mắc hen. Tỉ lệ tử vong do hen còn cao mặc dù đã có thuốc điều trị hiệu quả. Chi phí chăm sóc cho bệnh hen rất tốn kém, đặc biệt là chi phí nhập viện cấp cứu, mất việc làm, nghỉ học do hen.

Các trường hợp tử vong do hen thường là do bệnh nhân không qua nổi cơn HPQ hay đợt cấp của hen. Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định, hen là một bệnh hoàn toàn có thể kiểm soát được và bệnh nhân sẽ có cuộc sống bình thường nếu được điều trị, kiểm soát tốt.

Kiểm soát hen - Mục tiêu vàng trong điều trị

HPQ (còn gọi là hen suyễn) là tình trạng viêm mãn tính của viêm mạc đường thở gây nên phù nề và thắt hẹp đường thở, biểu hiện trên lâm sàng bằng những cơn khó thở, khò khè chủ yếu xuất hiện khi thở ra.

Các nghiên cứu cho thấy, bệnh nhân HPQ có xu hướng tăng nhanh, đến năm 2015, ước tính, thế giới có 400 triệu người bị HPQ. Tỉ lệ tử vong do hen trung bình là 40-60 người/1 triệu dân. Mỗi năm có khoảng 250.000 bệnh nhân HPQ tử vong. Tỉ lệ mắc ở người lớn là 6-8% và trẻ em dưới 15 tuổi là 10-12%. HPQ gặp ở mọi lứa tuổi, mọi chủng tộc và ở tất cả các nước trên thế giới. Đáng chú ý, tỉ lệ mắc HPQ ở các nước Đông Nam Á tăng hơn 2 lần trong hai thập kỷ gần đây. Theo nghiên cứu, Singapo năm 1985 chỉ có 5% dân số bị hen nhưng năm 1994 đã tăng lên 20%. Quản lý tại cộng đồng là biện pháp hiệu quả nhất để kiểm soát HPQ.

PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, trong những năm gần đây, ngành y tế đã có nhiều cố gắng nhằm nâng cao chất lượng điều trị, kiểm soát và dự phòng bệnh hen, nâng cao những hiểu biết của cán bộ y tế và cộng đồng về HPQ. Đặc biệt trong thời gian qua, BV Bạch Mai đã tham mưu tích cực giúp Bộ Y tế xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ đưa Dự án phòng chống bệnh HPQ và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) vào Chương trình mục tiêu quốc gia và đã được Thủ tướng phê duyệt thực hiện từ năm 2011 và tiếp tục giai đoạn 2012-2015. Mục tiêu dự án nhằm nâng cao nhận thức đúng của người bệnh về HPQ và COPD; nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị dự phòng và quản lý bệnh HPQ và COPD ở các tuyến y tế, giảm tỉ lệ tử vong cho người bệnh.

Trong năm 2013, dự án sẽ tiếp tục được triển khai tại 15 tỉnh thành trên cả nước, xây dựng tài liệu, hướng dẫn, chẩn đoán, điều trị; tập huấn nâng cao kiến thức điều trị dự phòng, khám sàng lọc, cấp thuốc cho bệnh nhân…. Thành lập các câu lạc bộ người HPQ, dưới sự hướng dẫn của bác sĩ, người bệnh không cần đến BV cũng có thể tự điều trị tại nhà.

Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân quan trọng nhất gây HPQ là cơ địa dị ứng, cơ địa HPQ trên bệnh nhân và người nhà của họ có mắc những bệnh dị ứng như viêm mũi dị ứng, HPQ, dị ứng thuốc, dị ứng các yếu tố về môi trường… Do đó sẽ di truyền cho các thành viên trong gia đình ở thế hệ sau cơ địa dị ứng đó và rất dễ mắc HPQ. Việc điều trị HPQ lâu dài, chi phí tốn kém và nguy cơ tử vong cao. Vì vậy những người mắc bệnh hen phải lưu ý tới các dấu hiệu của bệnh để đi khám và điều trị kịp thời.

Các bác sĩ khuyến cáo, bệnh nhân HPQ cần tránh tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ như nuôi chó mèo, các động vật có lông trong nhà, hút thuốc lá, thuốc lào, hoặc tiếp xúc với khói thuốc lá thuốc lào, khói, bụi, đun bếp than trong nhà, môi trưởng ẩm...

Dương Hải (Theo Suckhoedoisong.vn)